​Trong khuôn khổ Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) 2014, Lễ khai trương Chương trình Khu vực Đông Nam Á của OECD đã được tổ chức vào ngày 6/5/2014 tại Paris, Pháp. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng Thư ký OECD Angel Gurria chủ trì Lễ công bố. Tham dự buổi lễ có đông đảo các Bộ trưởng các nước OECD, đại sứ của trên 40 nước và các tổ chức quốc tế. Về phía các nước ASEAN, có 6 nước dự ở cấp Bộ trưởng, trong đó Lào và Thái Lan cử Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao; Campuchia và Philippines cử Bộ trưởng Công Thương; Mi-an-ma cử Bộ trưởng Kinh tế. 

 Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Lễ công bố. Cùng dự có Đại sứ Việt Nam tại Pháp, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

1. Chương trình Khu vực Đông Nam Á của OECD

Về triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, OECD đánh giá kinh tế khu vực Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh trong trung hạn, dự báo tăng trưởng bình quân 5,4% trong giai đoạn 2014-2018, tương đương tốc độ tăng trưởng trước khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tổng Thư ký OECD Gurria cho rằng khu vực Đông Nam Á đang ở giai đoạn bước ngoặt; nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh có vai trò quan trọng, nhưng chưa đủ để phát triển bền vững; cần tìm nguồn lực tăng trưởng mới để leo lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tại phiên thảo luận dành riêng cho khu vực Đông Nam Á, nhiều diễn giả đánh giá "bẫy thu nhập trung bình" là thách thức lớn nhất đối với các nước Đông Nam Á, tỏ băn khoăn việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN gặp nhiều khó khăn do sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các nước ASEAN, sức ép cải cách và hội nhập khu vực sâu hơn do những biến chuyển mới của liên kết kinh tế khu vực, đặc biệt là đàm phán TPP và RCEP. Một số diễn giả khuyến nghị các nước Đông Nam Á cần đẩy mạnh cải cách kinh tế, nhất là cải cách thể chế, tăng cường quản trị, chống tham nhũng, ưu tiên hơn cho phát triển giáo dục, y tế, dịch vụ xã hội nhằm hướng tới phát triển bao trùm (inclusive).

Về Chương trình Đông Nam Á, năm 2013, OECD chính thức khởi động xây dựng Chương trình tập trung vào 4 nhóm nội dung là kết nối, môi trường kinh doanh, tăng trưởng bao trùm và thống kê. Trên cơ sở 4 nhóm vấn đề này, OECD ưu tiên hợp tác với các nước Đông Nam Á trong 6 lĩnh vực chính sách: (i) Đầu tư; (ii) Kết nối và đối tác công-tư (PPP); (iii) Cải cách pháp luật; (iv) Giáo dục; (v) Doanh nghiệp vừa-nhỏ (SME); (vi) Thuế. Để xác định nội dung hợp tác cụ thể và chuẩn bị cho lễ khai chương Chương trình, trong các ngày 24-26/3/2014, một loạt các cuộc họp tham vấn liên quan và Diễn đàn Đông Nam Á của OECD đã được tổ chức tại Bali – Indonesia.

Tại Lễ công bố, OECD và các nước ASEAN đều đánh giá cao Chương trình khu vực Đông Nam Á, mở ra "chương mới" cho hợp tác giữa OECD và các nước Đông Nam Á. Tổng Thư ký Angel Gurria nhấn mạnh Chương trình khu vực Đông Nam Á sẽ tăng cường tính năng động trong hợp tác khu vực, kỳ vọng sẽ "đem lại các chính sách tốt hơn" cho các nước Đông Nam Á. Tổng Thư ký OECD khẳng định Chương trình sẽ hỗ trợ các nước Đông Nam Á thúc đẩy hội nhập và tăng trưởng bền vững thông qua chia sẻ tri thức, kinh nghiệm của OECD, tiếp cận các tiêu chuẩn và chuẩn mực toàn cầu và OECD. Các nước Đông Nam Á và nhiều diễn giả tại Diễn đàn đánh giá cao ý nghĩa Chương trình và mong muốn OECD dành nguồn lực xứng đáng cho Chương trình này.

Về phát biểu của Thủ tướng Abe, trên cương vị Chủ tịch đương nhiệm Hội đồng các Bộ trưởng OECD năm 2014, Thủ tướng Shinzo Abe đã có bài phát biểu dài hơn 30 phút , trong đó nhấn mạnh quyết tâm cải cách nhằm đưa Nhật Bản "trở lại" làm đầu tàu kinh tế khu vực và thế giới; cam kết ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện Chương trình Đông Nam Á với phương châm "liên kết, lắng nghe và học hỏi" nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác "tự nhiên" giữa Nhật Bản với các nước ASEAN; tích cực thúc đẩy đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do (FTA), đặc biệt là TPP, RCEP, FTA với EU nhằm xây dựng một "trật tự kinh tế thế giới mới cho thế kỷ 21"; nêu đậm vai trò của Nhật Bản trong OECD và những cam kết của Nhật Bản trong hợp tác OECD trong 50 năm tới; khẳng định Nhật Bản đang nỗ lực tiến hành "cuộc cách mạng công nghiệp mới" với công nghệ "rô-bốt" là trọng tâm.

 Tại buổi lễ, Đoàn Việt Nam đã khẳng định sự ủng hộ và cam kết của Việt Nam đối với quan hệ hợp tác OECD – ASEAN và mong muốn làm việc chặt chẽ với các nước thành viên OECD và ASEAN vì sự thành công của Chương trình Khu vực Đông Nam Á. Các nội dung hợp tác Việt Nam quan tâm gồm chia sẻ kinh nghiệm về tái cấu trúc nền kinh tế, biện pháp vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tranh thủ lợi thế của quá trình hội nhập, cũng như hỗ trợ kết nối, cơ sở hạ tầng, khai thác các kênh tài trợ mới và hài hoá hoá thủ tục huy động nguồn lực giữa các nước ASEAN. Đoàn ta cũng tham gia một số hoạt động khác như tham gia buổi trao đổi giữa OECD với các nhà lãnh đạo và các Bộ trưởng ASEAN, tham dự phiên họp về triển vọng Kinh tế OECD.

2. Nhận xét.

2.1. Trước sự phát triển năng động của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, OECD hiện đang chuyển trọng tâm hợp tác sang Châu Á- Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á. Lễ công bố Chương trình Đông Nam Á cho thấy OECD và các nước Đông Nam Á coi trọng Chương trình này. Bên cạnh chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, OECD có ý muốn hướng các nước Đông Nam Á vào các chuẩn mực và thông lệ của OECD (như về môi trường, quản trị minh bạch, pháp luật, chống tham nhũng…); đồng thời tranh thủ Đông Nam Á và ASEAN để mở rộng áp dụng các chuẩn mực của OECD cho các thành viên ngoài OECD.

OECD có nhiều ảnh hưởng đến các nước phát triển trong việc xây dựng chính sách hợp tác và phát triển kinh tế. Đây là một trong những tổ chức quốc tế có uy tín trong công tác nghiên cứu; xây dựng và lưu giữ cơ sở dữ liệu thông tin rất lớn trên hầu hết các lĩnh vực chính sách trừ quốc phòng như kinh tế, văn hóa, giáo dục… Các dữ liệu, thông tin, báo cáo của OECD có giá trị và độ tin cậy cao. Đây là nguồn thông tin, tài liệu phong phú mà các nước đang phát triển có thể khai thác, sử dụng thông qua các quan hệ hợp tác với OECD.

2.2. Với các nước ASEAN, việc tăng cường hợp tác với OECD góp phần nâng cao vị thế của khu vực, tranh thủ thúc đẩy hợp tác với các nước thành viên OECD. Chương trình Đông Nam Á tạo cơ hội cho các nước ASEAN tranh thủ tri thức, kinh nghiệm của OECD và hỗ trợ của các thành viên OECD trong các lĩnh vực có nhu cầu (đầu tư, kết nối, PPP, hội nhập khu vực…). Lễ công bố cho thấy giữa các nước ASEAN có mức độ quan tâm khác nhau đối với Chương trình Đông Nam Á. Các nước Campuchia, Lào và Myanmar tỏ rất tích cực, cố gắng thể hiện là một điểm đến đầu tư mới trong khu vực nhằm thu hút quan tâm và tranh thủ hỗ trợ của OECD. Indonesia tỏ muốn đóng vai trò đầu tàu trong hợp tác OECD-ASEAN, đề nghị phối hợp với OECD mở văn phòng khu vực tại Indonesia.

Nhật Bản là nước giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng OECD năm 2014, đang có quan hệ hợp tác kinh tế rất chặt chẽ với khu vực Đông Nam Á, đã ủng hộ mạnh mẽ và góp phần chính vào thành công của việc thành lập Chương trình Đông Nam Á của OECD. Với quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong khai thác các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Chương trình này.

2.3. Chương trình Khu vực Đông Nam Á không có tính cam kết, chỉ là diễn đàn để trao đổi chính sách, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác giữa OECD và các nước Đông Nam Á. Chương trình cũng không tạo thêm một tổ chức hay kênh hợp tác nào mới nào, chỉ sử dụng các cơ chế và chương trình hiện có giữa OECD và Đông Nam Á. Các hoạt động của Chương trình dự kiến sẽ tiếp nối các hoạt động hợp tác hiện hành, đồng thời có thể nâng cấp, phát triển các hoạt động mới phù hợp với nhu cầu tăng cường hợp tác và hoàn cảnh của cả các nước Đông Nam Á lẫn OECD.

Vấn đề nguồn kinh phí cho thực hiện Chương trình không được đề cập đến trong các phiên thảo luận. Theo thông lệ của OECD, kinh phí thực hiện Chương trình có thể do OECD tài trợ và đóng góp tự nguyện của các nước đăng cai hoạt động/ sự kiện.

 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​