1. Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2014:
Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2014 (WEF Davos 2014) đã diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ từ ngày 22 – 25/01/2014. Đây là hội nghị thường niên lần thứ 44 do WEF tổ chức.
Tham dự Hội nghị WEF Davos 2014 có hơn 2.500 đại biểu, trong đó có khoảng 40 vị đứng đầu nhà nước/chính phủ,như: Thủ tướng Úc Tony Abbot (Chủ tịch G20 năm 2014), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italy Enrico Letta, Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Didier Burkhalter…; lãnh đạo một số tổ chức quốc tế như: Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổng thư ký OECD Angel Gurría, Chủ tịch WB Jim Yong Kim, Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde…
Hội nghị WEF Davos 2014 có chủ đề: "Tái định hình thế giới: các hệ quả về xã hội, chính trị và kinh doanh". Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đã lắng xuống, tạo dư địa cho những cải cách thể chế tại các thị trường mới nổi cũng như phát triển. Bên cạnh đó, quan hệ quốc tế tiếp tục chịu tác động của trật tự thế giới ngày càng đa cực. Theo thông lệ, một trong những mảng nội dung quan trọng và được chú ý nhất tại Hội nghị là đánh giá, dự báo tình hình và các xu thế phát triển của kinh tế thế giới, các khu vực và các nền kinh tế chủ chốt trong năm 2014.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra hơn 250 phiên thảo luận tập trung vào các nội dung chính: (i) Kiến tạo những giá trị và mô hình kinh doanh mới thích nghi với sự biến đổi của khoa học-công nghệ; (ii) Định hình quá trình chuyển đổi kinh tế hướng tới phát triển bền vững; (iii) Định hình quá trình chuyển đổi xã hội; (iv) Định hình quá trình chuyển đổi trên toàn cầu hướng tới một thế giới bảy tỷ dân.
WEF nhận định đột phá về khoa học- công nghệ đã thay đổi đáng kể cách con người sống, học tập, giao tiếp và hợp tác. Vì vậy, trọng tâm đầu tiên của diễn đàn là tìm cách biến việc này thành các cơ hội trong dài hạn. Cách biệt về tốc độ tăng trưởng giữa các nước ngày càng lớn và nhiều mô hình tăng trưởng dần mất tác dụng cũng đặt ra thách thức về đẩy mạnh đà phục hồi và động lực cho kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận về tái định hướng các doanh nghiệp trong dài hạn và buộc Chính phủ có trách nhiệm hơn với nền kinh tế. Chủ đề cuối cùng được đưa ra là cách thức phát triển bền vững, khi dân số dự đoán lên 9 tỷ người năm 2050 sẽ đe dọa tài nguyên và môi trường.
2. Sự tham dự của Việt Nam:
Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã tham dự Hội nghị WEF Davos 2014 từ ngày 23 – 24/01/2014.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự với vai trò diễn giả chính trong 3 phiên thảo luận của Hội nghị WEF Davos 2014, gồm:
(i) Tái định hình ASEAN và các tác động đối với tăng trưởng tại Đông Á:
Trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN chuẩn bị hình thành vào năm 2015, nội dung về ASEAN là một trong những ưu tiên tham gia của đoàn Việt Nam. Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham gia Phiên thảo luận "Tái định hình ASEAN và các tác động đối với tăng trưởng tại Đông Á", trong đó, phát biểu nhấn mạnh vai trò hạt nhân của khu vực ASEAN trong liên kết kinh tế khu vực, đồng thời đề xuất một số nội dung các nước ASEAN cần quan tâm triển khai như: bảo đảm nội lực của khối; xác định lộ trình liên kết và kết nối phù hợp sau năm 2015; cùng với các đối tác bảo đảm môi trường thuận lợi cho liên kết và hội nhập, trong đó bao gồm bảo đảm môi trường an ninh và hợp tác, giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Nhận xét về việc tăng cường mối quan hệ với các đối tác ngoài khu vực ASEAN, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định ASEAN sẽ tăng cường thúc đẩy thương mại không chỉ giữa các nước trong khu vực, mà còn hi vọng hợp tác với các khu vực khác trên thế giới. Năm 2012, việc ASEAN và 6 nước đối tác chiến lược là Úc, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc đàm phán thành công các thỏa thuận tự do thương mại (FTA), là ví dụ tiêu biểu cho mục tiêu phát triển này.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh rằng, sức mạnh của ASEAN nằm ở sự đoàn kết giữa các thành viên trong khu vực. Vì vậy, các nước ASEAN sẽ ưu tiên đàm phán với tư cách cả khu vực thay vì theo cá nhân từng nước.
Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang là thành viên hoặc bên đàm phán của một loạt các FTA, trong đó có TPP, RCEP…
(ii) Thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu cho chuyển đổi nông nghiệp:
Kể từ năm 2009, Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình triển khai sáng kiến "Tầm nhìn mới cho nông nghiệp" của WEF. Sự tham gia của Việt Nam được WEF đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần vào thành công của Sáng kiến này. Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã tham dự phiên họp "Thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu cho chuyển đổi nông nghiệp" nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững, khẳng định cam kết của Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam qua hình thức đối tác công – tư.
Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tái cơ cấu nông nghiệp là nội dung quan trọng của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Hình thức hợp tác công tư, với sự tham gia của các công ty đa quốc gia sẽ góp phần quan trọng để đưa nông sản Việt Nam vươn ra thế giới. Về mặt xã hội, đây là cách tốt nhất để thực hiện đầu tư gắn kết, qua đó đưa người nông dân, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là cách thiết thực nhất để thực hiện 3 mục tiêu của "Tầm nhìn mới cho nông nghiệp" về kinh tế, xã hội và môi trường.
Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiến hành đổi mới về tổ chức sản xuất, khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp, đồng thời sẽ hình thành chuỗi giá trị cho một số ngành hàng, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Nỗ lực này sẽ cho phép ngành nông nghiệp phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ.
Việt Nam cũng sẽ từng bước hình thành những tổ hợp nông-công nghiệp-dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững. Đây chính là giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm hướng tới. Chính phủ Việt Nam cam kết là quốc gia tiên phong trong chương trình "Tầm nhìn mới cho nông nghiệp" nhằm phát huy lợi thế đất nước, đồng thời đóng vai trò tích cực trong quá trình góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, và phát triển vững bền trên phạm vi toàn cầu.
(iii) Vai trò trung tâm của y tế trong xã hội, kinh doanh và nền kinh tế:
Với những thành tựu ấn tượng của Việt Nam về chăm sóc sức khỏe cho người dân và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao đã tham gia phát biểu tại phiên họp "Vai trò trung tâm của y tế trong xã hội, kinh doanh và nền kinh tế", chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về vai trò của y tế đối với phát triển kinh tế-xã hội, các chính sách phát triển ngành y tế và những thách thức đặt ra đối với ngành y tế tại các nước đang phát triển trong thời gian tới.
Trong phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ coi con người là trung tâm của sự phát triển. Điều này được thể hiện xuyên suốt trong tiến trình Đổi mới trong gần 3 thập kỷ qua, được lồng ghép, cụ thể hóa trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Đề cập đến thách thức đối với y tế tại các nước đang phát triển, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao đánh giá những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã đẩy lùi thành quả phát triển tại nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.
Do đó, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao cho rằng việc tăng cường các nỗ lực quốc gia và quốc tế nhằm bảo đảm sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới là hết sức quan trọng. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các mối quan hệ đối tác toàn cầu về phát triển, đặc biệt là duy trì nguồn ODA cho các nước đang phát triển đi đôi với tăng cường các hoạt động hỗ trợ về tri thức, công nghệ chăm sóc sức khỏe từ phía các nước phát triển và các tổ chức quốc tế.
Bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có một số cuộc tiếp xúc song phương với các chính khách và doanh nghiệp như: Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ Schneider Ammann, Đại diện Cấp cao về Đối ngoại và An ninh của EU Catherine Ashton, Đại diện Thương mại Mỹ Froman, Hoàng tử Anh Andrew, Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Giám đốc điều hành WEF Phillip Rosler, Chủ tịch Tập đoàn UPS...
Các doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đã tích cực tham dự các hoạt động của Hội nghị WEF Davos 2014, bao gồm FPT Corporation, VinaCapital Group, Vingroup, Viettel, Vietcombank, VNPT, BaoVietHoldings, DatVietVAC Holdings, Saigon Investment Group, COFICO và Vinausteel.
Từ nhiều năm nay, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã trở thành một trong những diễn đàn quốc tế có uy tín, tập hợp các chính khách, lãnh đạo doanh nghiệp và học giả hàng đầu thế giới để đề xuất các sáng kiến, ý tưởng quan trọng về các giải pháp và các vấn đề kinh tế phát triển của thế giới và khu vực. Do đó, tham dự Hội nghị là cơ hội để Việt Nam tìm hiểu các xu thế phát triển của kinh tế thế giới và khu vực trong bối cảnh thế giới đang chú trọng tới các xu hướng phát triển mới sau khủng hoảng toàn cầu (phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững...).
Đây cũng là cơ hội để lãnh đạo Việt Nam thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế ... về các vấn đề thiết thực, phù hợp với quan tâm của Việt Nam như tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập và liên kết khu vực, phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Tại Hội nghị, Việt Nam có cơ hội giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về chính sách, tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư tại Việt Nam./.