​​​
Dự kiến 300 nguyên thủ quốc gia và 1.500 nhà lãnh đạo kinh doanh hàng đầu sẽ tham dự WEF 2015

Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2015 sẽ diễn ra từ ngày 21 – 24/1 tại khu trượt tuyết sang trọng của Thụy Sĩ trong bối cảnh xảy ra một loạt biến cố toàn cầu như quan hệ giữa Nga và phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, dịch bệnh Ebola bùng phát ở Tây Phi, giá dầu mỏ lao dốc và các vấn đề vũ khí hạt nhân.

Hội nghị WEF năm nay diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo các nước đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc phối hợp và liên kết quốc gia ứng phó với những thách thức toàn cầu. Do đó, tìm kiếm cách thức hướng tới thành công trong năm 2015 là một ưu tiên quan trọng nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững và xây dựng lại niềm tin.

Theo thông báo từ WEF có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, Hội nghị thường niên WEF 2015 tại Davos sẽ thu hút số người tham dự kỷ lục, khoảng 2.500 đại biểu. Tham dự hội nghị năm nay ngoài hơn 300 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ còn có 1.500 nhà lãnh đạo kinh doanh hàng đầu đến từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong khuôn khổ hội nghị sẽ diễn ra nhiều cuộc gặp giữa những người đứng đầu các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, trong đó có 14 người đoạt giải Nobel, lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự, các nhà lãnh đạo tương lai được lựa chọn từ Cộng đồng lãnh đạo trẻ toàn cầu… Bên cạnh đó, hội nghị cũng sẽ tổ chức các cuộc đối thoại chính thức và không chính thức nhằm thúc đẩy nỗ lực kiến tạo hòa bình.

Trong Báo cáo nguy cơ toàn cầu 2015 công bố ngày 15/1, WEF đã cảnh báo: cuộc xung đột tại Ukraine, sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo cực đoan và các vấn đề địa chính trị đang là nguy cơ lớn nhất đối với sự ổn định toàn cầu trong thập kỷ tới.

Các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xếp hạng xung đột xuyên quốc gia với hậu quả mang tính khu vực là nguy cơ nghiêm trọng nhất đối với cuộc sống con người trên toàn thế giới.

WEF cho rằng trong vòng 25 năm qua, kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, thế giới lại một lần nữa đối mặt với nguy cơ xung đột lớn giữa các quốc gia. Điều này có nghĩa là phạm vi các cuộc xung đột này đang mở rộng hơn bao giờ hết, trong đó có tính đến các cuộc tấn công mạng thời gian vừa qua.

Để đối phó với nguy cơ này, WEF cho rằng cách thức tốt nhất mà các lãnh đạo toàn cầu nên ưu tiên thực hiện trong năm nay là đưa thế giới trở lại con đường hợp tác hơn là đấu tranh. Các nguy cơ tiếp theo mà WEF chỉ ra bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan, quản lý nhà nước thất bại, sự sụp đổ hoặc khủng hoảng quốc gia, thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.

Tổng giám đốc WEF - Philipp Rosler, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam hồi tháng 11/2014 cho biết, kinh tế Việt Nam với kết quả và tiềm năng phát triển trong tương lai, nhất là trong tương quan hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, vai trò tiên phong của Việt Nam trong xây dựng và hình thành Cộng đồng ASEAN đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư, kinh doanh toàn cầu. Do vậy, những ý tưởng, tầm nhìn, thông tin về Việt Nam và ASEAN, thông điệp của lãnh đạo Việt Nam rất được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế quan tâm. Với ý nghĩa đó, tại Davos lần này, WEF cũng sẽ tổ chức các sự kiện lớn về Việt Nam, trong đó có sự kiện "Đêm Việt Nam" với sự tham gia của nhiều chính khách và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Minh Anh

​ 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​