​​​
​​Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Israel đang có nhiều triển vọng

Trong những năm qua, việc phát triển nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên quan trọng của Chính phủ nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong giai đoạn tới. Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Israel đang có nhiều triển vọng, các diễn giả tham gia Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam – Israel đều có chung nhận định như vậy. Trong đó, Việt Nam có thể tận dụng nền nông nghiệp và khoa học tiên tiến của nước bạn để đưa sản phẩm ra thế giới.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vấn đề nông nghiệp - nông thôn - nông dân luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm và đặt lên hàng đầu. Trong thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp Việt Nam luôn ở mức cao, từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng như café, chè, cao su, gạo… Theo ông Doanh, Việt Nam là nước có môi trường chính trị ổn định, giao thương thuận lợi, cơ sở hạ tầng đang phát triển mạnh mẽ, môi trường đầu tư ngày càng cải thiện và minh bạch. Do vậy Việt Nam muốn thu hút công nghệ nước ngoài để tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định, "Mặc dù hoạt động kinh tế giữa hai bên tăng mạnh trong thời gian qua, song sự phát triển đó chưa ngang tầm với tiềm năng hợp tác và kỳ vọng của cả hai phía. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ là cầu nối tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư Israel đầu tư vào thị trường Việt Nam".

Về phía Đại sứ quán Israel, bà Meirav Eilon Shahar cho biết, ngoài các thị trường truyền thống ở châu Âu và Mỹ, các doanh nghiệp Israel muốn tìm kiếm thị trường mới, trong đó Việt Nam là điểm đến rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Bà Meirav Eilon Shahar chia sẻ: "Dù kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, hai nước cũng có những khó khăn nhất định, song tôi cảm thấy vui mừng vì trong bối cảnh đó mà trao đổi, hợp tác thương mại giữa 2 nước vẫn có chiều hướng tăng, thậm chí là tăng trưởng vượt bậc"."Chúng tôi cũng đang nỗ lực hết mình để hỗ trợ các doanh nghiệp Israel đầu tư vào Việt Nam, đồng thời vận động Chính phủ để các hiệp định, thỏa thuận về hợp tác thương mại giữa 2 quốc gia được ban hành và thực thi, cũng như tinh giản hóa các thủ tục để việc kinh doanh trở nên thông suốt, hiệu quả" - Bà Meirav nhấn mạnh.

Cũng tại diễn đàn, đại diện các Công ty của Israel giới thiệu về hoạt động của doanh nghiệp mình nhằm tìm đối tác tại Việt Nam. Diễn đàn được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Israel trong thời gian tới.

Theo đề án tăng cường hợp tác ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp giữa Việt Nam và Israel để hướng tới mục tiêu vào năm 2020, sẽ có 10 triệu ha trồng cây lương thực của Việt Nam được áp dụng công nghệ tiên tiến từ Israel. Việc phối hợp sản xuất trang thiết bị sẽ được thực hiện ngay tại Việt Nam để giảm chi phí vận tải.   

Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam - Israel tăng nhanh và ổn định trong những năm vừa qua. Cụ thể, năm 2013, trao đổi thương mại hai chiều đạt 604,29 triệu USD (tăng 37,9% so với năm 2012), trong đó Việt Nam xuất sang Israel 401,29 triệu USD (tăng 43,7% so với năm 2012). Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như nông sản, dệt may, thiết bị điện, trong khi nhập khẩu từ Israel phân bón, máy móc thiết bị, hàng điện tử... Hiện Israel xếp thứ 62/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. 

An Sinh

​ 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​