Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về "Thành lập Cộng đồng ASEAN".
(Ảnh: Nhật Bắc)
Sáng 22/11, tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), lãnh đạo 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với sự chứng kiến của nguyên thủ 8 nước đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Mỹ và Tổng thư ký Liên hợp quốc. Đây là một dấu mốc quan trọng của ASEAN trong 48 năm thành lập và phát triển.
Với chủ đề "ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước," Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 là một văn kiện về lộ trình phát triển của ASEAN trong thập kỷ tới, định hướng và tạo cơ sở và khuôn khổ cho liên kết của ASEAN trong giai đoạn 2016-2025. Đây là một tầm nhìn rộng lớn và chiến lược, nhằm củng cố cộng đồng khu vực hướng tới hiện thực hóa một ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội, một ASEAN thực sự dựa trên các nguyên tắc luật pháp, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Với mục tiêu, "Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta," một ASEAN hội nhập kỳ vọng sẽ mang lại mức sống cao hơn và tiến bộ xã hội nhanh hơn cho người dân ASEAN.
Cộng đồng ASEAN cũng thể hiện lợi ích, nhận thức, tầm nhìn chung cũng như ý chí, quyết tâm chính trị của các nước thành viên về nhu cầu tăng cường liên kết ở mức cao hơn để kịp thời ứng phó và thích ứng trước các cơ hội, thách thức đặt ra cho khu vực; đưa ASEAN chính thức trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, tạo nền tảng quan trọng để ASEAN tiếp tục củng cố và làm sâu sắc liên kết, mang lại lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên.
ASEAN ngày nay là một khu vực hòa bình, nền kinh tế gắn kết và thống nhất, không chỉ hội nhập sâu rộng vào cấu trúc an ninh và kinh tế toàn cầu, mà còn là một khu vực năng động với nhiều cơ hội và triển vọng phát triển to lớn. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại.
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột chính gồm Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa-Xã hội sẽ giúp khu vực hội nhập sâu rộng hơn, cạnh tranh hiệu quả hơn và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN.
Đặc biệt về trụ cột kinh tế, ASEAN đã phát triển về quy mô và nâng tầm ảnh hưởng kể từ khi ra đời vào năm 1967 và nay tổng GDP đã đạt 2.600 tỉ USD (tăng 80% trong 7 năm qua), với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 1.200 tỷ USD. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng còn có những thách thức lớn ở phía trước đối với ASEAN trong quá trình hợp thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới.
P.V