Đối thoại Chính sách cấp cao APEC nhằm thúc đẩy an ninh lương thực và kinh tế xanh diễn ra trong hai ngày 4-5/10.
Trong hai ngày 4-5/10, Bộ trưởng 21 nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã tham dự cuộc Đối thoại Chính sách cấp cao APEC nhằm thúc đẩy an ninh lương thực và kinh tế xanh trong khu vực diễn ra tại thành phố Iloilo, miền Trung Philippines.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Môi trường Philippines Ramon Paje kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC hợp tác lớn hơn nhằm tạo cơ hội đầy đủ cho "kinh tế xanh" và đạt được phát triển toàn diện trong khu vực. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa các nền kinh tế thành viên APEC.Bộ trưởng Môi trường Philippines nhấn mạnh, diễn đàn này là cơ hội để thảo luận các hành động cụ thể và khả thi nhằm tăng cường quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái, môi trường biển và duyên hải cũng như đảm bảo chuỗi cung ứng lương thực bền vững.
Theo thông báo từ ông Paje, hiện kế hoạch hành động đang được triển khai theo một số đề xuất có giá trị và và quan trọng từ các nền kinh tế thành viên APEC. Ông tin tưởng rằng đề xuất hành động của Đối thoại Chính sách cấp cao APEC về an ninh lương thực và kinh tế xanh sẽ được thông qua khi diễn đàn này kết thúc.
Hơn bao giờ hết, các nền kinh tế thành viên APEC đang cùng chia sẻ nhiều lợi ích và trách nhiệm chung to lớn - đó là duy trì vai trò đầu tàu của châu Á - Thái Bình Dương trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới và đóng góp hiệu quả để ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Sinh thái và môi trường đã là những chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại nhiều Hội nghị APEC. APEC đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng, trong vòng 20 năm sẽ giúp giảm đáng kể tiêu thụ năng lượng, giảm bớt lượng khí thải từ các phương tiện giao thông vận tải dùng xăng dầu, chuyển động theo hướng vươn tới nền kinh tế "xanh". Cùng với vấn đề này, nhu cầu cấp bách cần gia tăng hợp tác trong APEC để bảo đảm an ninh lương thực cũng đã được các nền kinh tế APEC không ngừng đẩy mạnh.
Hiện nay, nhu cầu lương thực đang tăng mạnh mẽ do dân số tăng nhanh, trong khi sản xuất nông nghiệp chịu tác động trực tiếp và sâu rộng của biến đổi khí hậu cũng như quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Chỉ trong 5 năm qua, thế giới đã chứng kiến cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007 - 2008 và hiện đang đứng trước nguy cơ về một cuộc khủng khoảng mới do giá lương thực không ngừng biến động ở mức cao và dự báo sẽ tiếp tục biến động đến năm 2020. Hiện nay, trong khoảng 1 tỉ người dân trên thế giới thiếu đói thì có 60% là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Minh Minh