​​​​
N​​ếu tái cấu trúc đúng cách và có giải pháp phù hợp thì chắc chắn nông nghiệp sẽ tiếp tục tạo ra kim ngạch xuất khẩu và chiếm vị thế cao trong nền kinh tế

Tại Hội thảo "Tái cấu trúc ngành lúa gạo Việt Nam giai đoạn 2014-2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và Phát triển bền vững phục vụ xây dựng nông thôn mới," do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tổ chức ngày 26/11, tại Hà Nội,  IRRI đã đề xuất hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam chuyển từ việc sản xuất lúa gạo mang tính manh mún, thiếu sự cạnh tranh sang sự phát triển toàn diện, chất lượng, gia tăng giá trị và phát triển bền vững, góp phần hiện đại hóa ngành lúa gạo Việt Nam.

Tăng trưởng nhanh và bền vững của ngành nông nghiệp, đặc biệt là tiểu ngành gạo là nền tảng cho việc phát triển toàn diện thành công của Việt Nam. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện nay phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn khi đóng góp của ngành này vào GDP đang giảm từ 20% vào năm 2010 xuống 19% vào 2013... Do đó, ngành nông nghiệp sẽ cần những thay đổi đáng kể để tiểu ngành gạo vượt qua được những thách thức và trở thành tiểu ngành đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Song, nếu tái cấu trúc đúng cách và có giải pháp phù hợp thì chắc chắn nông nghiệp sẽ tiếp tục tạo ra kim ngạch xuất khẩu và chiếm vị thế cao trong nền kinh tế.

Tiến sỹ Robert Zeigler, Tổng Giám đốc IRRI nhận định, mặc dù trong những năm qua, ngành lúa gạo Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận song cần cải tiến rất nhiều. Điều này thể hiện rõ ở việc người nông dân vẫn còn nghèo đói, hiệu quả sản xuất chưa xứng với tiềm năng. "Việt Nam đã xuất khẩu lúa gạo đến nhiều nước trên thế giới nhưng chất lượng chưa cao, ngành sản xuất lúa gạo chưa có sức cạnh tranh. Tuy nhiên,với những thế mạnh vốn có và sự hỗ trợ từ các chuyên gia của IRRI, tôi tin rằng ngành lúa gạo Việt Nam sẽ có những bước tiến phát triển hơn nữa," ông Robert Zeigler khẳng định.

Để đạt được điều này, IRRI đã đưa ra 6 nhóm giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại của ngành lúa gạo hiện nay.

Sáu giải pháp sáng kiến quan trọng mà IRRI đưa ra bao gồm: 1/ Lai tạo các giống lúa chất lượng cao và sản xuất thương mại các loại gạo đặc sản, đáp ứng được sở thích của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài; 2/ Nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; 3/ Giảm tổn thất trước và sau thu hoạch trong chuỗi giá trị lúa gạo; 4/ Các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu ở địa phương; 5/ Tiếp cận nông hộ quy mô nhỏ; và 6/ Các biện pháp chính sách nhằm đẩy mạnh chiến lược phát triển lúa gạo chất lượng, toàn diện và bền vững.

Tổng chi phí cho tập hợp các sáng kiến đã được đề xuất trong giai đoạn 2015-2020 được dự kiến vào khoảng 30 triệu USD hoặc 5 triệu USD/năm. IRRI mong đợi rằng chương trình hỗ trợ kỹ thuật và các sáng kiến sẽ được tài trợ bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và một phần chi phí hỗ trợ kỹ thuật có thể được tài trợ thông qua Dự án chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp Việt Nam đang được Ngân hàng Thế giới phát triển, nhằm hỗ trợ Việt Nam triển khai chương trình tái cấu trúc ngành lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Cúc Nhi

​ 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​